Trong cuộc sống thường ngày, điều gì làm bạn trăn trở, suy nghĩ về nó không nguôi? Điều gì khiến bạn canh cánh trong lòng, khao khát, mong muốn làm được, đạt được? Liệu có phải là công danh – sự nghiệp – tình yêu – gia đình hay là thứ gì đó mình đang muốn hoàn thiện, muốn vun đắp nhưng vẫn còn dang dở…
Đó cũng là những trăn trở của chị Dương Tuyết, nhưng sự đặc biệt trong nỗi trăn trở của chị là không dành riêng cho bản thân mình mà dành cho những em bé nghèo, những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.

“Dẫu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu” (nhà văn Phạm Lữ Ân)
ẢNH: TGCC
Hành trình quay trở về cội nguồn
Sinh ra ở vùng đất Tây nguyên nắng gió, hơn ai hết chị cảm nhận được chính khí hậu và địa hình khắc nghiệt khiến cho kinh tế nơi đây kém phát triển, đói nghèo, trẻ em không có điều kiện để đến trường, thậm chí các em còn không có cơm ăn, áo mặc.
Sau khi tốt nghiệp đại học, chị quyết định quay trở về quê để thực hiện những mong muốn góp phần đóng góp cho quê hương.
Năm 2015, chị thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nhịp Cầu Yêu Thương KRN với mục đích giúp các em nhỏ ở vùng khó khăn được đến trường, vì theo chị, “chỉ có thể học, biết chữ thì mới thoát được cái nghèo”.
Hành trình rung cảm chạm đến trái tim
May mắn được là một trong các thành viên của CLB, được đi thực tế, khảo sát các gia đình khó khăn, tôi đã phải sựng người lại và thốt lên sao lại có những hoàn cảnh cùng cực đến thế.
Trường hợp khiến tôi nhớ mãi là một cô bé lớp 8, bố mẹ chia tay nhau từ sớm, em ở với ông bà. Nhưng ông trời có lẽ không công bằng với em. Không như những đứa trẻ bình thường khác, khi em lớn lên, cơ chân của em không hoạt động, dần teo lại, em không đứng được. Mọi di chuyển của em đều cần có người giúp đỡ hoặc một chiếc xe lăn.
“Tiền ăn còn không có xe lăn lấy ở đâu ra”, bà em vừa nói vừa lau vội giọt nước mắt. Nhưng thay vào đó là sự tích cực của em, em học rất giỏi, 8 năm đi học đều là học sinh xuất sắc. Tâm sự với em, hỏi em lớn lên muốn làm gì, em cười hồn nhiên và bảo muốn làm bác sĩ, muốn chữa bệnh cho bà và tự chữa bệnh cho em nữa. Sự hồn nhiên của em khi kể về ước mơ của mình khiến tôi không ngừng xúc động..
Niềm vui trong những điều bình dị nhất
Ông bà của em đã lớn tuổi, không có thu nhập, số tiền duy nhất ông bà có là 500.000 đồng trợ cấp người cao tuổi. Việc học của em ở trường cấp 2 còn khó thành hiện thực chứ chưa nghĩ tới đại học. “Bằng mọi cách phải cho em ấy đi học”, chị Tuyết – Chủ nhiệm CLB Nhịp Cầu Yêu Thương bày tỏ.
Nhóm tình nguyện chúng tôi liên hệ với trường em đang học xin học bổng. Gặp và trò chuyện cùng Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Tất Thành, ngôi trường ngày xưa cả tôi và chị Tuyết cùng theo học.
Thấu hiểu được hoàn cảnh của em, phía nhà trường đã hỗ trợ rất nhiệt tình và đã có suất học bổng toàn phần dành cho em. Để lo cho hành trình của em sau này, CLB còn kêu gọi được quỹ từ thiện để hỗ trợ em theo từng đợt. Cá nhân chủ nhiệm Dương Tuyết cũng tặng chiếc xe lăn để em thuận tiện hơn trong việc đi lại.
Biết chia sẻ, biết cho đi
Trong chuyến đi thực tế, chúng tôi bắt gặp nhiều hoàn cảnh vô cùng khó khăn, lòng băn khoăn, “mình phải làm gì đó thôi”. Không dừng lại ở suy nghĩ, chúng tôi biến nó thành hành động. Ban đầu, với phương châm “có bao nhiêu làm bấy nhiêu”, chúng tôi “tự thân vận động” và thông qua mạng xã hội, chúng tôi kết nối được với một đơn vị thiện nguyện ở Vũng Tàu. Qua tâm sự, với cùng một mục tiêu, họ thấu hiểu và đồng cảm nên quyết định hỗ trợ chúng tôi trong chuyến hành trình “Mang tết về cho em”.



Một số hình ảnh trong các chuyến đi từ thiện của clb Nhịp Cầu yêu thương Krông Năng
ẢNH: TGCC
Chương trình tổ chức kêu gọi được nhu yếu phẩm và quần áo cũ đủ cho tất cả các em trong trường. Ngoài ra, CLB còn chuẩn bị một số tiền mặt để trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Những món quà được gửi đi, niềm hạnh phúc ở lại trong lòng của tất cả chúng tôi…
Cũng trên hành trình ấy, hình ảnh người mẹ tay trái ẵm một đứa, tay phải dắt một đứa, bụng lại có thêm một em bé; rồi có những đứa trẻ 13-14 tuổi đã mang trong mình một sinh mệnh và bản thân chúng đã mang một thiên chức cao cả khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Liệu đã có ai phổ cập chính sách sinh đẻ cho bà con ở vùng cao hay chưa? Còn nữa, là những nỗi lo về vấn đề không kế hoạch hóa gia đình, sinh con ở độ tuổi vị thành niên, không đủ khả năng nuôi con, không có kinh tế cho con đi học, một vòng luẩn quẩn từ thế hệ này qua thế hệ khác… và làm sao để thoát nghèo?
Cần có biện pháp, cần tuyên truyền để mọi người ý thức được việc này. Vậy là chúng tôi lên kế hoạch tuyên truyền cho mọi người hiểu được mối nguy hại lớn này. Chiến lược đi vùng sâu, vùng xa tuyên truyền về việc kế hoạch hóa gia đình, tổ chức các buổi meeting nói về sức khỏe sinh sản và nuôi dạy con cái, các phương pháp tránh thai, phát bao cao su… được địa phương hỗ trợ, nên đã diễn ra khá suôn sẻ. Sau một thời gian, tỷ lệ sinh từ 2 con trở lên giảm đáng kể. Chúng tôi lại có thêm “nụ cười” tự thưởng cho bản thân.
Và còn rất nhiều những mảnh đời ngoài kia cần giúp đỡ, hãy dang rộng cánh tay nếu có thể. Tôi tin rằng với tinh thần đoàn kết, gắn bó, yêu thương của dân tộc Việt Nam ta, chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế.
Trong những năm tháng thanh xuân, chúng tôi có một hành trình tự hào, một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, một niềm tin vững mạnh, một ý chí kiên cường và một tinh thần đoàn kết dân tộc. Vùng quê nghèo mang tên Krông Năng (Đắk Lắk), từ những anh chị em không quen biết, bằng trái tim nhân hậu, chúng tôi tìm đến nhau tạo lên những điều tươi đẹp đáng tự hào.
9 năm qua, CLB Nhịp Cầu Yêu Thương Krông Năng đã xây dựng được nhiều chương trình có ý nghĩa như: Sửa chữa nhà cho hộ nghèo (12 căn nhà, kinh phí hơn 120 triệu đồng), Niềm vui cho em (3.700 phần quà gồm áo trắng, bút, vở…), Bữa cơm có thịt lần thứ 17; quỹ học bổng cho học sinh nghèo nghị lực vượt khó (trao 5 suất, 5-10 triệu đồng/suất)… và sẽ còn nữa!

Theo Báo Thanh Niên