Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30-12-2024 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) chính thức có hiệu lực từ ngày 14-2 đang có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội và cả trong đội ngũ những người làm giáo dục.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Ảnh: H.Yến
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Ảnh: H.Yến

Nhiều người vẫn quen gọi Thông tư 29 là “cấm dạy thêm, học thêm”, kéo theo đó là nhiều lo lắng cả về phía phụ huynh, người học và giáo viên. Ngược lại, với những giáo viên có thực lực và nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội thì đây là cơ hội để họ xây dựng “thương hiệu cá nhân”, thu hút người học.

Siết dạy thêm – học thêm

Thông tư 29 quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng là: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư 29 quy định: Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện các yêu cầu như: đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương; giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp; giáo viên đang dạy học tại các trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo với hiệu trưởng về môn học, thời gian, địa điểm, hình thức tham gia dạy thêm…

Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm. Như vậy, Thông tư 29 không cấm dạy thêm, học thêm, mà quy định chặt chẽ hơn; yêu cầu các tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí… và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời gian làm việc, an toàn, an ninh…

Giáo viên thuộc các trường công lập không được tổ chức, điều hành, quản lý lớp học thêm, mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng. Do đó, giáo viên thuộc các trường công lập không thể đứng tên là chủ hộ để đăng ký kinh doanh dạy thêm mà chỉ có thể là thành viên hộ (không tham gia quản lý, điều hành),  hoặc ký hợp đồng tham gia dạy thêm với một cơ sở có đăng ký kinh doanh dạy thêm.

Nhiều phụ huynh bày tỏ đồng tình với các quy định mới của Thông tư 29. Chị Hoàng Thị Phương (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Hiện nay, với mỗi môn chính là Toán, Văn và Tiếng Anh, con tôi đang phải học thêm với 2 giáo viên, một giáo viên dạy ở lớp và một giáo viên khác mà con thấy phù hợp. Tôi buộc phải cho con học như vậy vì ngại nếu không học thêm giáo viên trên lớp con sẽ bị gây khó khăn trong quá trình học. Vì vậy, tôi hy vọng Thông tư 29 sẽ giúp chấm dứt tình trạng một số giáo viên tìm cách ép học sinh học thêm”.

Cùng quan điểm với chị Phương, một phụ huynh khác bày tỏ: “Việc học thêm cũng là nhu cầu chính đáng, vì không phải học sinh nào cũng có học lực tốt. Nếu thực hiện đúng Thông tư 29, học sinh sẽ có quyền lựa chọn thầy cô giáo để theo học. Hoặc ít nhất là các con có thời gian để vui chơi, không phải vùi đầu vào học suốt ngày đêm như hiện nay”.

Trái với tâm trạng vui mừng của 2 phụ huynh trên, nhiều phụ huynh ở thành phố Biên Hòa có con đang học tiểu học tỏ ra lo lắng. Vì hầu hết các trường tiểu học ở Biên Hòa hiện chỉ dạy học một buổi, trong khi phụ huynh không có thời gian đưa đón nên buộc phải gửi ở nhà cô giáo buổi còn lại. Nếu  theo Thông tư 29, giáo viên không đăng ký kinh doanh, không thành lập doanh nghiệp thì phụ huynh không biết phải gửi con ở đâu.

Cơ hội cho những giáo viên biết xây dựng “thương hiệu cá nhân”

Trái ngược với tâm trạng thấp thỏm lo âu của đồng nghiệp, một số giáo viên cho rằng, Thông tư 29 vừa là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cho những giáo viên có tư duy mở, đổi mới.

Thầy Hoàng Văn Hưởng, giáo viên Trường trung học cơ sở Phú Tân (huyện Định Quán), cho rằng giáo viên nên xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua các nền tảng mạng xã hội bằng cách chia sẻ các thông tin tích cực, đặc biệt là thông tin liên quan trực tiếp đến công việc chuyên môn.

“Bằng cách lan tỏa đó, giáo viên vừa góp phần lấn át các thông tin nhảm nhí, vừa mang lại tri thức, những giá trị tích cực. Khi xây dựng được thương hiệu cá nhân, giáo viên có thể thu hút học sinh để dạy học online trên toàn quốc, hoặc dạy ở các trung tâm” – thầy Hưởng phân tích.

Không ít giáo viên ở vùng sâu, vùng xa cho biết, sẵn sàng mở các lớp dạy miễn phí để hỗ trợ các học sinh học yếu cần nâng cao kiến thức hoặc hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp, thi đại học. Với những giáo viên này, nếu không dạy thêm, ngoài đồng lương chính, họ có thể làm thêm các công việc khác không cùng chuyên môn để có thêm thu nhập. Ngoài ra, với tâm huyết dành cho học trò, các thầy cô có thể sắp xếp thời gian để tổ chức 1-2 lớp học miễn phí cho học trò của mình.

Với những giáo viên lâu nay không tham gia dạy thêm, Thông tư 29 không có tác động gì. Cô H.T.L., giáo viên một trường trung học phổ thông ở thành phố Long Khánh, cho biết: “Tôi dạy môn Địa lý, lâu nay không dạy thêm nên cũng không quan tâm nhiều đến Thông tư 29, chỉ nghe nói là nếu tổ chức dạy thêm trong nhà trường thì không được thu học phí của học sinh. Như vậy cũng khó cho nhà trường vì phải tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12”.

Hải Yến-Báo Đồng Nai